Hoa hòe | BvNTP

Hoa hòe có vị đắng, tính bình, mát, không độc. Thảo dược này là có mặt trong hầu hết các bài thuốc chữa bệnh trĩ, đại tiện ra máu, cao huyết áp, mất ngủ của y học cổ truyền.

Tên khác: Hòa thực, hòe mễ thán, hòe hoa, cây hòe, hòe nhụy, hòe giao

Tên khoa học: Styphnolobium japonicum

Họ: Đậu ( Fabaceae )

Mô tả về cây hoa hòe

Hoa hòe là cây thân gỗ to, có vị đắng nhẹ với mùi thơm rất đặc trưng. Hoa và các bộ phận của cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt, nụ hoa hòe chứa một lượng lớn rutin tự nhiên quý.

Phân bố: Cây hoa hòe ưa ẩm, sáng và phân bố chủ yếu ở những vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi như Nghệ An, Ninh Bình, Hà Bắc, Hải Phòng và một số tỉnh Tây Nguyên.

Một số quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Bắc Mỹ… cũng trồng cây hòe để làm thuốc.

1. Đặc điểm thực vật hoa hòe

Cây thân gỗ to, sống lâu năm. Thân mọc thẳng, có thể phát triển đến chiều cao khoảng 15m. Từ thân mọc ra nhiều nhánh, cành cong queo.

Lá kép lông chim chứa 9 – 13 lá chét có hình trứng, nhọn ở đỉnh, mọc đối. Càng về phía ngọn cuống thì các cặp lá chét thường có khuynh hướng to hơn. Mặt trên của lá chét màu xanh đậm, mặt dưới nhạt màu hơn, chiều dài dao động từ 1,5 đến 4,5 cm. Gân nằm giữa lá và nổi rõ ở mặt dưới, 2 bên mọc 3 – 5 cặp găn phụ, trên gân được bao phủ một ít gân màu nâu.

Cuống lá phình dài, hình trụ, màu xanh dài khoảng 3 đến 4mm

Hoa hòe mọc thành cụm ở đầu cành, hình chùy. Tràng hoa có hình dáng tương tự như cánh bướm, màu trắng ngà.

Quả hòe giống như quả đậu, vỏ dày, màu xanh nhưng không mở. Bên trong quả chứa vài hạt. Quả thắt nhỏ lại ở khoảng giữa 2 hạt.

2. Đặc điểm dược liệu

Nụ hoa hòe hình trứng, ngắn, một đầu nụ hơi nhọn, chiều dài từ 3 đến 6 mm, màu vàng xám. Đài hoa màu xanh, hình chuông, có chiều dài chỉ chiếm khoảng 1/2 so với chiều dài của toàn bộ nụ hoa, phía trên đài chia làm 5 răng lông ôm chắc nụ hoa

Hoa hòe khi chưa nở màu vàng, có chiều dài tối đa khoảng 10mm. Vị đắng nhẹ, có mùi thơm đặc trưng.

Bộ phận dùng: Bộ phận dùng làm dược liệu là nụ hoa hòe. Quả đôi khi cũng được sử dụng nhưng ít hơn.

Thu hái – Sơ chế

Cây hòe thường cho ra hoa vào tháng 5 đến tháng 8. Những chùm hoa có nụ to sắp nở sẽ được hái vào lúc sáng sớm khi trời khô ráo, tuốt lấy hoa đem sấy hoặc phơi ngoài nắng cho thật khô.

Nụ hoa sử dụng làm dược liệu được Đông y gọi là hòe mễ. Những hoa đã nở vẫn được sử dụng nhưng theo quy định của Dược Điển Việt Nam thì không được lẫn vào quá 10%.

Riêng quả hòe thì được thu hái khi chín, khoảng tháng 9 – 11. Sau đó đem phơi hoặc sấy khô làm thuốc.

Bào chế thuốc:

– Bào chế nụ hoa hòe:

Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Nụ hoa hòe sau khi phơi khô có thể dùng sống hoặc sao cho hơi vàng và hãm với nước sôi uống. Hoặc sao nụ hoa hòe khô bằng nồi đất với lửa to để cháy tồn tính 7/10 nếu làm thuốc cầm máu.

Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Tuốt nụ hoa sắc lấy nước uống hoặc sao cháy đen, tán thành bột mịn làm thuốc.

Theo Dược Tài Học: Rửa sạch hoa hòe, đem sao trên lửa vừa cho đến khi hoa chuyển sang màu hơi vàng. Để nguội là có thể dùng.

Theo Dược Tài Học: Sao tồn tính hoa hòe bằng lửa to. Khi thấy hoa gần chuyển sang màu đen thì ngưng, phun nước sạch cho ướt rồi đem phơi khô.

– Cách bào chế quả ( hòe giác )

Lấy quả hoa hòe sao lửa nhỏ cho đến khi chuyển qua màu hơi vàng. Để nguội có thể dùng.

Tẩm quả hoa hòe với mật ong trên lửa nhỏ. Khi thấy có màu nâu đen thì ngưng

Sao quả hòe trên lửa lớn. Đảo đều tay, canh thấy quả gần chuyển sang màu đen thì lấy nước phun ướt và đem phơi khô.

Xem thêm  Cây thanh tâm - Ý nghĩa phong thủy loại cây độc đáo

Bảo quản: Hoa hòe rất dễ bị mốc. Vì vậy cần bảo quản nơi khô thoáng. Tránh để những nơi ẩm ướt, chẳng hạn như trong nhà tắm, gần bồn rửa chén.

3. Thành phần của hoa hòe

Hoa hòe: Các nụ hoa khô có thể chứa tới 20% rutin, betulin, sophoradiol, với một số quercetin. .Hoa nở chứa 8% rutin

Quả hòe: Vỏ quả chứa 4 – 11% rutin, quả khô có genistin, rutin, N-methylcytisine, flavonoid aglycones hay quercetin, alcaloid cytisine, sophocarpin, …

Hạt hòe: Chứa 0,5-2% rutin, flavonoid, alkaloid

Lá: Trong lá chét có 5 – 6 % rutin. Ngoài ra còn có các chất khác như protein và lipid

Rễ và gỗ: Bao gồm các thành phần irrisolidon, biochanin A 7-D-xylosylglucosid, biochanin A, biochanin A 7-D-glucosid , flemichaparin B, maackianin,…

Vị thuốc hoa hòe

Nụ hoa hòe được phơi khô làm thuốc chữa bệnh

1. Tính vị

Theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo: Hoa hòe tính bình, vị đắng và không có độc

Theo Bản Thảo Cương Mục và Trung Dược Đại Từ Điển : Tính mát, vị đắng

Theo Cảnh Nhạc Toàn Thư: Tính hàn, vị đắng

Theo Trung Dược Học: Tính bình, vị đắng

2. Quy kinh

Hoa hòe có khả năng quy vào các kinh Dương minh (Đại trường), Phế, Can (Quyết Âm)

3. Tác dụng dược lý và chủ trị của hoa hòe

Theo y học cổ truyền, hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết , sát cam trùng. Chủ trị các loại trĩ, đại tiện ra máu, chảy máu cam, ho khạc ra máu, viêm võng mạc, mắt đỏ, trường phong hạ huyết, tiểu ra máu, xích bạch lỵ, mất ngủ, cao huyết áp…

Theo nghiên cứu hiện đại, hoa hòe có những công dụng sau:

Cầm máu, rút ngắn thời gian chảy máu, đặc biệt là khi sử dụng hoa hòe được sao thành than.

Làm giảm khả năng thẩm thấu ở mao mạch, nhờ đó cải thiện sức bền cho thành mạch

Chích dịch hoa hòe vào tĩnh mạch chó thấy giảm huyết áp rõ rệt. Ở ếch, dịch hoa hòe cũng gây hưng phấn nhẹ trên tim cô lập. Trong khi đó, Glucosid từ vỏ hòe lại làm tăng lực co bóp của tim ếch.

Hòe bì tố làm giảm cholesterol và mỡ máu, phòng trị xơ vữa động mạch

Tác dụng kháng viêm khi thực nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt bị viêm khớp

Chống co thắt, giảm trương lực cơ trơn của đại tràng, phế quản

Rutin trong cây hoa hòe giúp giảm tỷ lệ tử vong ở chuột nhắt do ảnh hưởng của chất phóng xạ.

Nước hoa hòe được bơm vào ruột thỏ bị tiêu chảy thấy tình trạng đi tiêu phân lỏng giảm bớt.

4. Cách dùng và liều lượng

Dùng hoa hòe dạng sắc hoặc hãm với nước sôi: Ngày uống 8 – 10g

Thuốc dạng bột hoặc viên hoàn: Ngày 0,5 – 3g

5. Độc tính

Hoa hòe không có độc. Dùng thuốc đúng mục đích và liều lượng cho phép hầu như không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể.

Các bài thuốc chữa bệnh về hoa hòe

Với những tác dụng dược lý ở trên, từ lâu trong dân gian và đông y đã ứng dụng hoa hòe vào bồi bổ sức khỏe, trị bệnh. Cụ thể một số bài thuốc như sau:

1. Chữa lao hạch ở cổ

Chuẩn bị: Hoa hòe và gạo nếp theo tỷ lệ 2:1

Đem cả 2 sao vàng, nghiền thành bột

Mỗi lần uống 10g vào lúc sáng sớm khi bụng còn đói

*Lưu ý: Tránh ăn đường khi uống thuốc

2. Chữa bệnh lỵ ra máu và các loại xuất huyết

– Cách 1:

Chuẩn bị: 10 – 15g hoa hòe hoặc 8 – 12g quả hòe

Sắc nước uống. Nếu dùng hoa hòe thì nên sao qua trước khi sắc

– Cách 2:

Dùng 20g hoa hòe, 12g diếp cá và 10g địa du

Đem hoa hòe và địa du sao đen

Sắc tất cả với 300ml nước còn 200ml

Chia uống 1 – 2 lần trong ngày

3. Trị bệnh ngoài da

Thành phần gồm 30g hoa hòe tươi, 30g khúc khắc và 9g cam thảo

Cho vào ấm hãm như pha trà uống nhiều lần trong ngày

Ngày uống 1 thang

4. Điều trị bệnh viêm tuyến vú cấp tính

Dùng hoa hòe khô, sao vàng, tán thành bột mịn

Mỗi ngày lấy 15g pha loãng với 1 phần nước và 1 phần rượu uống

5. Chữa nôn ói ra máu

Dùng 12g hoa hòe kết hợp với 4g nhọ nồi

Xem thêm  Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây tổ quạ - VƯỜN CÂY NHIỆT ĐỚI

Tán thuốc thành bột mịn và uống cùng nước sắc từ rễ tranh

6. Điều trị cao huyết áp

– Cách 1:

Chuẩn bị hoa hòe (sao vàng) và hạt muỗng số lượng bằng nhau

Nghiền thuốc thành bột uống mỗi lần 5g x 2 – 3 lần/ngày

– Cách 2:

Chuẩn bị hoa hòe và hy thiêm thảo. Tùy theo tình trạng bệnh có thể dùng 20 – 40g

Sắc lấy nước đặc uống cho đến khi huyết áp ổn định

– Cách 3:

Chuẩn bị: Hoa hòe và tang ký sinh ( mỗi vị 25g), hạ thảo khô và xuyên khung (mỗi vị 20g), địa long 15g.

Sắc uống hàng ngày

– Cách 4:

Dùng hoa hòe và sung úy tử mỗi vị 15g, cát căn 30g

Dùng nồi đất sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Cân nhắc gia giảm thêm các vị đan sâm và hà thủ ô mỗi loại 12g nếu bị đau tức ngực; Toan táo nhân 15g nếu có biểu hiện mất ngủ, trống ngực đập nhanh, hồi hộp.

7. Chữa nhức đầu, chóng váng, tê nhẹ ở ngón tay

Kết hợp nụ hòe, hạt muồng và tâm sen với lượng bằng nhau

Cả 3 đem sao khô, tán thành bột

Mỗi lần uống 5g x 2 – 4 lần/ngày

8. Chữa sốt xuất huyết khi bệnh đã thuyên giảm, chảy máu mũi ở trẻ em

Dùng hoa hòe và hạt muồng sao vàng, tán bột uống mỗi ngày 10 – 20g

Hoặc thay thế bằng 10g quả hòe, sắc uống

9. Điều trị bệnh băng lậu

Chuẩn bị 30g hoa hòe than, 10g bồ hoàng than, 15g ô tặc cốt nung, 30g mã xĩ hiện, 15g thuyên thảo than, 5g sinh cam thảo, 15g địa du than, 15g kế mộc

Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Trường hợp ra máu nhiều thì tăng liều uống 2 thang/ngày.

10. Điều trị bệnh trĩ

– Cách 1:

Lấy quả hoa hòe và khổ sâm với số lượng như nhau

Tán thuốc thành bột mịn

Khi dùng lấy một ít bột trộn chung với nước và bôi ngoài hậu môn giúp giảm sưng đau trĩ

– Cách 2:

Dùng hoa hòa, trắc bá than và chỉ xác mỗi vị 12g, kinh giới 8g

Nghiền cả 3 thành bột mịn, hòa với nước đun sôi để nguội uống

– Cách 3:

Phối hợp hoa hòe, chỉ xác và phèn chua mỗi loại 20g, ngải cứu 40g

Nấu nước xông hậu môn mỗi ngày 1 lần

– Cách 4:

Sắc hoa hòe lấy nước rửa hậu môn và uống

Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần để điều trị bệnh trĩ ngoại

11. Chữa bệnh vẩy nến

Hoa hòe khô đem sao vàng, nghiền thành bột

Trộn chung với một lượng mật ong vừa đủ sao cho hỗn hợp không dính tay, vo thành viên hoàn

Mỗi lần uống 3g x 2 lần/ngày. Uống với nước đun sôi để nguội sau mỗi bữa ăn

12. Trị mất ngủ

Trộn hoa hòe chung với 40g hạt muỗng

Tán bột và uống mỗi lần 5g x 2 lần/ngày.

13. Chữa nổi mụn nhọt trên da vào mùa hè

Chuẩn bị 30 – 60g hoa hòa khô

Đem số thuốc trên sắc cùng 1,5 lít nước

Dùng nước này rửa vết thương kết hợp đắp bã vào khu vực tổn thương

Thực hiện 2 -3 lần/ngày

14. Chữa trúng phong mất tiếng

Chuẩn bị hoa hòe sao vàng

Sau canh ba cho bệnh nhân nằm ngửa, nhai và nuốt cả nước lẫn bã

15. Điều trị ung thư phát bối, nhọt độc sưng tấy, hoa mắt, chóng mặt, đắng miệng, tê tay chân

– Cách 1:

Chuẩn bị 1 nắm hoa hòe, 1 chén rượu nhỏ

Sao hoa hòe cho đến khi chuyển màu nâu đen

Ngâm với rượu và uống khi rượu còn đang nóng

– Cách 2:

Chuẩn bị 80g hoa hòe, 80g hạch đào nhân, 1 chén giấm

Đem 3 vị thuốc đã chuẩn bị sắc uống

Người bị nặng uống ngày 2 – 3 lần, trường hợp mụn đã vỡ mủ thì giảm liều xuống còn 1 – 2 lần/ngày.

16. Chữa đi cầu ra máu

– Cách 1:

Kết hợp hoa hòe, bá tử nhân, kinh giới tuệ, thương xác với liều lượng bằng nhau

Sấy khô các vị thuốc và tấn bột

Ngày uống 6g. Dùng nước cơm để uống

– Cách 2:

Chuẩn bị bột hoa hòe, 1 đoạn ruột lợn, giấm gạo

Làm sạch ruột lợn rồi nhét bột hoa hòa vào bên trong, cột chặt 2 đầu ruột lại

Sao ruột lợn hoa hòe chung với giấm cho đến khi khô lại

Tán thuốc thành bột, vo viên hoàn kích thước cỡ hạt nhãn

Mỗi lần uống 1 viên chung với rượu đương quy.

Xem thêm  "Sếp Kim": Bộ sậu oan gia thiên tài “ngáo” nhất hiện nay! - Kenh14

– Cách 3:

Dùng 60g hoa hòe kết hợp với 30g cam thảo, 45g địa du và 45g thương truật

Sao tất cả cho thơm rồi đem phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn

Mỗi lần uống 6g x 2 lần/ngày

– Cách 4:

Chuẩn bị hoa hòe, quả hòe, địa du và hoạt thạch mỗi loại 15g, đương quy, kinh địa, kim ngân hoa mỗi loại 12g, hoàng bá, hoàng cầm, kinh giới, hoàng liên mỗi vị 10g, sài hồ, chỉ xác, thăng ma mỗi loại 6g, cam thảo 3g.

Tất cả đem sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang. Dùng cho người bị đi cầu ra máu nhiều.

Trường hợp bị thiếu máu gia thêm các vị gồm thục địa 12g và hoàng kỳ 15g.

17. Chữa bệnh trường phong hạ huyết

Chuẩn bị 12g hoa hòe, 12g trắc bá, 8g kinh giới, 12g chỉ xác

Hoa hòe và trắc bá sao cháy

Tán tất cả thành bột uống với nước đun sôi để nguội

18. Điều trị chứng can nhiệt với các biểu hiện như đỏ mắt, đau đầu, chóng mặt

Dùng hoa hòe, nữ tiết, hạ khô thảo

Nấu uống thay cho nước trà hàng ngay giúp thanh can nhiệt

19. Chữa nóng trong, giải nhiệt

Chuẩn bị 20 – 30g hoa hòe khô

Đun với nước sôi trong khoảng 5 phút

Nhiều vài lần trong ngày cho hết. Nước nấu ngày nào nên uống hết ngày đó, tránh để qua đêm dễ bị thiu hoặc giảm tác dụng.

20. Trị rong kinh

Dùng 30g hoa hòe phối hợp cùng 15g thảo sương

Tán hai vị thuốc trên thành bột, cho vào hũ có nắp kín

Mỗi lần lấy 9g pha với nước uống. Sau 3 – 5 ngày dùng thuốc sẽ thấy kết quả

21. Giúp dễ ngủ, lợi tiểu

Chuẩn bị 6 – 12g hoa hòe khô

Cho vào ấm hãm chè, chế nước sôi vào để 10 phút có thể uống

22. Chữa tiểu tiện ra máu

Thành phần của bài thuốc gồm hoa hòe ( sao vàng ) và uất kim mỗi vị 30g

Tán thuốc thành bột

Mỗi lần lấy 6g pha với nước uống

23. Điều trị chứng chảy máu cam

Dùng hoa hòe và ô tặc cốt với số lượng như nhau

Một lửa thuốc để sống, 1 nửa đem sao vàng

Tất cả tán thành bột. Khi dùng lấy một ít thổi nhẹ để bột thuốc bay vào lỗ mũi

24. Chữa chảy máu lưỡi không cầm

Hoa hòe phơi âm can

Giã nhuyễn rồi rắc vào khu vực bị chảy máu ở lưỡi

25. Chữa ho khạc ra máu

Dùng hoa hòe khô sao vàng, tán bột

Mỗi lần lấy 12g pha với nước gạo nếp uống

26. Chữa đi tiêu ra máu do uống nhiều rượu

Chuẩn bị hoa hòe 40g và sơn chi tử 20g

Hoa hòe một nửa để sống, một nửa sao vàng

Tất cả trộn lẫn với nhau tán bột

Mỗi lần uống 8g

Kiêng kỵ khi sử dụng hoa hòe

1. Đối tượng không nên dùng hoa hòe

Người có tỳ vị hư hàn với biểu hiện đặc trưng là tiêu chảy, lạnh bụng, chán ăn, khó tiêu… Nếu sử dụng cần kết hợp với các vị thuốc có tính nóng ấm để giảm bớt tính lạnh của hoa hòe.

Người bị huyết áp thấp dùng nhiều có thể bị choáng váng, chóng mặt

Người thường xuyên bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Trẻ nhỏ

2. Tương tác thuốc

Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc tây hoặc bất cứ loại thảo dược hay thực phẩm bạn sử dụng. Tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của dược liệu này.

Vì vậy, hãy thận trọng thông báo cho thầy thuốc biết tất cả những loại thuốc bạn đang dùng (bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược). Đồng thời nhờ sự tư vấn của thầy thuốc để có chế độ kiêng cữ thích hợp trong ăn uống khi dùng cam thảo.

3. Nên ngưng dùng hoa hòe khi nào?

Trong thời gian được điều trị với hoa hòe, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Source: https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/hoa-hoe