TĐKT – Ngày 6/5, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2022 – 2026 đã thành công tốt đẹp.
Hội Sinh vật cảnh Việt Nam thành lập ngày 13/5/1989, đến nay đã qua 6 nhiệm kỳ và hơn 32 năm hoạt động liên tục. Hiện nay, cả nước có 20.657 tổ chức hội, trong đó ở trung ương có 8 đơn vị trực thuộc, ở địa phương có 57 hội cấp tỉnh, gần 330 hội cấp huyện, gần 3900 hội cấp xã, 262 đơn vị trực thuộc, trên 400 câu lạc bộ, hơn 4600 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, 11.000 nhà vườn, 100 làng nghề sinh vật cảnh (SVC). Có trên 250.000 hội viên chính thức thường xuyên sinh hoạt tại các tổ chức hội. Nếu tính cả số hội viên thuộc các ngành nghề nông nghiệp tại các tổ chức hội đã sát nhập với Hội SVC ở một số địa phương (Hội làm vườn, Hội ngành nghề nông nghiệp) thì số hội viên cá nhân khoảng 500.000 người.
TS Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa VI cho biết: Nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã kiên trì chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu: Xây dựng mô hình tổ chức phù hợp; đổi mới phương thức hoạt động; phát triển phong trào lành mạnh, toàn diện, bền vững; từng bước xây dựng ngành kinh tế sinh vật cảnh.
Thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Hội đã tích cực sắp xếp, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, quan tâm kết nối, phối hợp hoạt động giữa Hội với các tỉnh, thành hội, các tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc.
Nhiệm kỳ VI, Hội đã thực hiện tốt việc chủ động phối hợp, đề xuất các hoạt động với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, điển hình là triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trọng tâm là phát triển hoa, cây cảnh, xây dựng ngành kinh tế sinh vật cảnh. Hội đang tham gia, triển khai một số đề án phát triển hoa cảnh, cây cảnh, bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống, ứng dụng, chuyển giao một số mô hình…, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Hoạt động và phong trào sinh vật cảnh ở các cấp Hội luôn bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát chức năng, nhiệm vụ; gắn liền và phục vụ tốt mục đích chính trị, sự kiện văn hóa; bảo đảm sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đánh giá của nhiều địa phương, hoạt động sinh vật cảnh đã góp phần làm nên sự chuyển biến tích cực về nhận thức, chuyển dịch cơ cấu cây trồng khu vực nông thôn, thúc đẩy sự phát triển phong trào sinh vật cảnh, ngành sinh vật cảnh, từng bước thực hiện mục tiêu đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế có giá trị, thu nhập cao.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, các cấp Hội đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để duy trì, bảo đảm hoạt động. Các sự kiện triển lãm, hội chợ bị hoãn, hủy, không được tổ chức tập trung đông người… nhưng phong trào sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh vẫn được duy trì, không bị đứt gãy.
Đến năm 2021, cả nước có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh (tăng 6,6 lần so với năm 2000); thu nhập bình quân 520 triệu đồng/ha/năm (tăng 2,1 lần); giá trị sản lượng đạt 23.400 tỷ đồng (tăng 27,5 lần); giá trị xuất khẩu gần 80 triệu USD. Mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm, có mô hình đạt 3 – 5 tỷ đồng/ha/năm (giá trị thu nhập/ha canh tác của ngành trồng trọt chỉ đạt 80 – 83 triệu đồng/ha/năm).
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức hội và hội viên chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế sinh vật cảnh.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, phù hợp, hiệu quả; vận động các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cá nhân tiêu biểu trong phạm vi cả nước tham gia hội với tư cách hội thành viên, hội viên cá nhân thuộc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 135 ủy viên, trong đó Ban thường vụ gồm 25 ủy viên. TS Nguyễn Hữu Vạn tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nhiệm kỳ VII (2022 – 2026).
Phương Thanh
Nguồn: http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/