Hoa Phù Dung là một loài hoa rất đẹp, có khả năng đổi màu độc đáo. Tuy vậy, loài hoa này lại sở hữu vẻ đẹp mong manh, ngắn ngủi và gắn với câu chuyện tình yêu đau buồn. Về ý nghĩa hoa Phù Dung, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Vua Nệm để được nắm rõ.
1. Đôi nét về hoa Phù Dung
Hoa Phù Dung còn được gọi với những cái tên khác là mộc liên, mộc Phù Dung, Phù Dung thân mộc, sương giáng,… Tên khoa học của loài hoa này là Hibiscus Mutabilis, thuộc họ cẩm quỳ.
Phù Dung có nguồn gốc từ miền đông Ấn Độ, sau này được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, hoa Phù Dung được trồng nhiều ở các vùng phía Bắc. Hoa ưa sáng, phát triển tốt ở những nơi có không khí mát mẻ và thường được trồng ở sân vườn, công viên hoặc ban công để làm cảnh, trang trí.
Về hình dáng, Phù Dung mọc thành từng bụi, chiều cao trưởng thành có thể đạt từ 2 đến 5 mét. Cây có nhiều cành non, lá mọc so le, phiến lá có năm thùy với chiều rộng từ 10 – 15cm. Hai mặt lá có lông, phần mép là có răng cưa nhỏ. Hoa Phù Dung có kích thước khá lớn, thường nở vào tháng 8 và tháng 10. Khi nở hoa xòe to, cánh hoa mỏng và xốp, gồm nhiều cánh xếp chồng lên nhau.
Khác với những loài hoa khác, hoa Phù Dung có khả năng đổi màu sắc rất linh hoạt trong nhiều thời điểm khác nhau: sáng trắng, trưa hồng, tối đỏ. Chính điều đặc biệt này khiến hoa Phù Dung trở nên độc đáo, mang điểm nhấn riêng và rất được yêu thích.
2. Truyền thuyết về hoa Phù Dung
Hoa Phù Dung gắn liền với một câu chuyện tình cảm đau buồn. Ý nghĩa hoa Phù Dung cũng bắt nguồn từ chính sự tích này.
Chuyện kể, xưa kia trên thiên đình có một nàng tiên xinh đẹp hiền lành nhưng nét mặt lúc nào cũng u buồn, nàng là “Phù Dung Tiên Nữ”. Nàng rất được Vương Mẫu yêu thương, ban cho ân huệ được du sơn ngoạn thủy chốn trần gian.
Một lần mải vui chơi nàng đã làm mất bùa phi thiên – lá bùa dùng để bay được về trời. Trong lúc này, nàng gặp được chàng thợ săn tên là Đông Tâm rủ lòng thương đưa về nhà trú tạm. Trong thời gian vướng trần, Phù Dung hết mình chăm sóc mẹ già của Đông Tâm. Dần hai người nảy sinh tình cảm, Phù Dung quên đi việc phải trở lại thiên đình, sống hạnh phúc cùng Đông Tâm chốn trần gian.
Vương Mẫu không thấy Phù Dung trở về liên cho thiên binh xuống bắt về. Trước khi phải về trời, Phù Dung kịp trao cho Đông Tâm viên ngọc lộ để luôn nhớ nàng.
Về thiên đình, Phù Dung nói với Vương Mẫu rằng nàng bằng lòng đánh đổi đạo hành, chỉ mong được làm người phàm sống bên Đông Tâm. Mặc cho Vương Mẫu phản đối, nói rằng nhân gian không hữu tình như Phù Dung nghĩ, nhưng nàng vẫn kiên quyết với hạnh phúc của mình, chấp nhận đánh cược với Vương Mẫu rằng, nếu Đông Tâm vô tình với mình, nàng nguyện không làm người nữa.
Phù Dung được chấp nhận cho xuống trần một lần nữa nhưng trớ trêu thay lại trong hình dạng một đấng nam nhi. Duy chỉ có tâm hồn và tình yêu là của nữ. Phù Dung nuốt lệ đi tìm Đông Tâm mãi đến 20 năm sau mới tìm được. Nhờ có viên ngọc lộ ngày xưa mà hai người nhận ra nhau. Thế nhưng trớ trêu, Đông Tâm bây giờ đã có vợ và hai con thơ dại.
Phù Dung ngậm ngùi chấp nhận chuyện Đông Tâm đã có vợ. Hai người chỉ có thể lén lút gặp nhau mỗi tháng vài lần. Tuy nhiên chuyện này cũng không giấu diếm được lâu, vợ Đông Tâm phát hiện. Đông Tâm lúc này đứng trước hai lựa chọn, hoặc là Phù Dung, hoặc là người vợ và hai con thơ.
Đông Tâm dù yêu Phù Dung nhưng vì hai đứa con thơ đang khóc não lòng mà đành lòng phụ bạc Phù Dung, trở về với gia đình của mình.
Trái tim Phù Dung vụn vỡ, viên ngọc lộ cũng hóa thành tro bụi. Nàng uất ức, đau buồn mà chết đi, linh hồn nương theo cây cỏ nở thành hoa Phù Dung. Đông Tâm hay chuyện nhiều lần muốn chết theo nhưng vì gánh nặng hai con nhỏ mà đành nuốt lệ, đêm đêm than thở với hoa Phù Dung.
Vương Mẫu không muốn Phù Dung vì quyến luyến mà mãi không được siêu thoát nên chỉ cho hoa nở vào ban ngày và phai tàn khi hoàng hôn xuống để tránh việc Phù Dung phải đau lòng khi nhìn thấy Đông Tâm.
3. Khám phá ý nghĩa hoa Phù Dung
3.1 Sự trắc trở của người con gái
Từ lâu hoa Phù Dung gắn liền với hình ảnh người con gái tiểu thư đài cát, mang nét đẹp kiêu sa nhưng chứa đựng nhiều phiền muộn trong tâm hồn. Họ khao khát được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, được tự do làm điều mình thích mà không bị cấm cản, không như chú chim nhỏ bị nhốt trong lồng.
Hoa Phù Dung sớm nở tối tàn, sự ngắn ngủi đó ám chỉ kiếp “hồng nhan bạc phận” của những người phụ nữ. Xuân sắc của người thiếu nữ luôn lụi tàn trước sự khắc nghiệt của thời gian. Ý nghĩa hoa Phù Dung quả thật rất đau lòng.
3.2 Sự tan vỡ trong tình yêu
Giống như truyền thuyết về hoa Phù Dung kể trên, hoa gắn với câu chuyện tình yêu ngang trái, dù hết lòng nhưng vẫn bận lòng, không thể kết thành duyên kiếp với người mình yêu. Mối tình tan vỡ thường do các tác động từ bên ngoài.
3.3 Sự sống mãnh liệt
Mặc dù sớm nở tối tàn nhưng không vì thế mà hoa Phù Dung ngừng việc khoe sắc vào những ngày sau đó. Sắc hoa rực rỡ, nở rộ dưới ánh nắng minh chứng cho sức sống mãnh liệt, vứt bỏ hết ưu tư ngày hôm trước để lại rạng rỡ vào hôm sau.
3.4 Ý nghĩa hoa Phù Dung về mặt phong thủy
Trong tiếng Hán, Phù Dung có cách phát âm tương đồng với “phú vinh”, có nghĩa là giàu có, vinh hiển. Trong các hình hoa văn chúng ta thường bắt gặp hình ảnh hoa Phù Dung và mẫu đơn đi kèm với nhau, có ý nghĩa là “vinh hoa phú quý”, chỉ sự giàu sang, hạnh phúc viên mãn.
4. Công dụng của hoa Phù Dung
4.1 Trồng để trang trí, làm cảnh
Cây Phù Dung trưởng thành có kích thước khá lớn, mọc thành bụi và lá to, nên thường sẽ được trồng trước nhà để tạo bóng mát, đồng thời cản được khói bụi bay vào nhà. Không chỉ vậy, hoa Phù Dung cũng rất đẹp, khi hoa nở sẽ khiến căn nhà của bạn thêm phần đẹp mắt, ấn tượng.
Hoa Phù Dung với nét đặc biệt là sự thay đổi màu sắc liên tục trong ngày nên rất phù hợp để trồng trang trí trong công viên, sân vườn hoặc các buổi tiệc… Hoặc bạn cũng có thể cắm hoa trong bình, lọ đặt ở phòng khách, phòng họp, phòng làm việc. Cây sẽ mang lại một không gian xanh mát, giúp bạn cảm thấy được thư giãn, thoải mái.
4.2 Công dụng trong y học
Ngoài mục đích trồng làm cảnh, trang trí, cây Phù Dung còn được tận dụng để điều trị bệnh, có ý nghĩa rất lớn trong y học. Dưới đây là một số bài thuốc mà bạn có thể tham khảo.
Chữa bỏng: 15g hoa Phù Dung, 9g thanh đại, tán thành bột và trộn vào nhau, thoa lên vết bỏng. Thoa liên tục 3 ngày là có thể trị được bỏng. Hoặc bạn có thể thực hiện theo cách sau: lấy hoa Phù Dung tươi, ngâm vào trong dầu ăn cho đến khi hoa chìm thì lọc bỏ bã và lấy phần dầu để thoa lên vết bỏng 2 – 3 lần/ngày.
Chữa ung nhọt: lá Phù Dung phơi khô, nghiền nhuyễn cùng quả ké đầu ngựa và mật ong. Trộn đều hỗn hợp này và thoa lên những vị trí ung nhọt để mau chóng giảm viêm. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể giã nát lá Phù Dung tươi và đắp trực tiếp lên u nhọt.
Điều trị viêm khớp: 15g hoa Phù Dung nghiền nhuyễn cùng 15g đậu đỏ, cho thêm mật ong vào và trộn đều. Dùng hỗn hợp đó đắp lên vị trí viêm khớp mỗi ngày một lần, đắp liên tục 5 ngày sẽ thuyên giảm.
Bệnh Zona (giời leo): hoa Phù Dung phơi khô, nghiền nhuyễn cùng giấm gạo sau đó đắp lên vết thương từ 3 – 4 lần/ngày.
Trên đây là ý nghĩa hoa Phù Dung mà Vua Nệm giới thiệu đến các bạn. Một loài hoa đẹp, đặc biệt nhưng lại gắn với những điều buồn bã. Tuy nhiên loài hoa này vẫn mang đến nhiều điều tích cực, ý nghĩa trong cuộc sống, phong thủy và y học.
>>>Đọc thêm:
- Ý nghĩa hoa Diên Vĩ
- Ý nghĩa hoa Giấy
- Ý nghĩa hoa Bất Tử
- Ý nghĩa hoa Lưu Ly
- Ý nghĩa hoa thược dược
Source: https://vuanem.com/blog/y-nghia-hoa-phu-dung.html#3_Kham_pha_y_nghia_hoa_Phu_Dung