Sen đá là loại cây cảnh trang trí được ưa chuộng trong không gian của nhiều gia đình Việt Nam. Loài cây này không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc, mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt về phong thủy. Vậy ý nghĩa ẩn sâu bên trong của sen đá là gì, cách chăm sóc chúng như thế nào? Cùng Space T tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc về loại cây cảnh này trong bài viết dưới đây nhé.
1. Ý nghĩa sen đá
Trong phong thủy, nhờ sức sống mãnh liệt mà sen đá được xem là biểu tượng cho ý chí kiên cường, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Loại cây này có khả năng thích nghi rất tốt với mọi khí hậu, địa hình và sống quanh năm, khi lá cây rụng có thể nảy chồi và từ đó mọc lên một cây mới.
Sen đá còn mang ý nghĩa về sự bình an, điềm lành cho người sở hữu bởi các lá cây thường xếp thành những bông hoa sen giống như đài sen mà Phật Quan Âm hay ngồi.
Với các bạn trẻ, sen đá mang ý nghĩa tượng trưng cho một tình bạn bền chặt, tình yêu vĩnh cửu, hoặc một mối quan hệ tương thân, bên nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn giống như hình ảnh những cánh lá đan vào nhau.
2. Loại sen đá phù hợp với phong thủy
Cây sen đá có nhiều màu sắc và đa dạng kiểu dáng, nện bạn có thể tìm kiếm kiểu sen đá phù hợp với cả 5 cung mệnh trong Ngũ hành. Cách chọn sen đá hợp mệnh sẽ dựa vào màu sắc tương sinh và tương hợp của mỗi mệnh.
Mệnh Kim
Mệnh Kim tương sinh và tương hợp với các màu: trắng, nâu, xám, ghi, vàng. Thế nên, bạn có thể chọn các cây sen đá có màu nâu, trắng, vàng. Ví dụ như: Sen đá sỏi trắng, sen đá lola, sen đá móng rồng,…
Sen đá phù hợp mệnh Kim
Mệnh Mộc
Vì mệnh Mộc tương sinh và tương hợp với màu xanh lá, đen và xanh thẫm nên bạn có thể chọn sen đá theo những màu sắc này.
Sen đá phù hợp mệnh Mộc
Mệnh Thủy
Bạn có thể chọn các loại sen đá hợp với mệnh Thủy như: Móng rồng, xanh dạ quang, dạ quang trắng, sao biển,… Bởi những loại cây này mang sắc đen, trắng và xanh dương, là những màu sắc tương sinh và tương hợp với mệnh Thủy.
Sen đá phù hợp mệnh Thuỷ
Mệnh Hỏa
Mệnh Hỏa tương hợp với các màu: đỏ, xanh, cam. Vì thế, những người mệnh Hỏa có thể trồng nhiều cây có màu xanh, hoặc một số loại màu tương sinh như: sen tím, sen đá viền lửa, sen đá Phật Bà,…
Sen đá phù hợp mệnh Hoả
Mệnh Thổ
Các loại sen đá nâu, sen đá dạ quang đỏ – vàng,… sẽ là những lựa chọn phù hợp cho người mệnh Thổ. bởi cung mệnh này tương sinh và tương hợp với màu nâu, đỏ, vàng, tím, hồng, cam,…
Sen đá phù hợp mệnh Thổ
3. Cách chăm sóc cây sen đá
Tại Việt Nam cây sen đá rất được ưa chuộng, bởi đây là loại cây lạ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản. Bạn chỉ cần lưu ý đến các vấn đề sau khi trồng loại cây cảnh này.
Đất trồng
Khi trồng sen đá bạn nên chọn đất trồng thông thoáng, khả năng thoát nước cao. Bởi đặc điểm của loại cây này thích hợp với đất sỏi khô cằn, ưa ánh sáng, và không có nhu cầu nước quá nhiều. Vì thế, khi trồng và chăm sóc bạn cần lưu ý đến những điều sau:
- Nên trồng trong chậu có thể thoát nước và xới đảo đất thường xuyên.
- Nên dùng đất thịt trộn với vỏ trấu mục, xơ dừa giúp đất thoát nước tốt và hấp thụ được nhiều dưỡng chất.
- Có thể lót thêm phân vi sinh nếu muốn cây sen đá phát triển nhanh.
Đất trồng sen đá
Ánh sáng
Với sen đá, bạn nên để cây ở nơi có ánh sáng vừa phải, không quá râm cũng không có ánh nắng quá gắt. Bởi ánh nắng vừa đủ sẽ giúp cây quang hợp tốt mà không bị cháy lá. Nhưng nếu trồng cây ở nơi quá ít ánh sáng thì thân và lá sẽ bị xốp, dễ rụng và héo cây.
- Nếu trồng sen đá trong nhà, thì cách tốt nhất để duy trì độ xanh cho cây là bạn nên phơi nắng từ 4-5 tiếng vào lúc sáng sớm. Mỗi tuần phơi khoảng 2-3 lần để cây có đủ ánh sáng quang hợp.
- Nếu trồng sen đá ở nơi có ánh sáng mạnh thì cần đảm bảo ánh nắng không chiếu trực tiếp vào cây. Nên che mái khi ánh nắng quá mạnh và buổi trưa hoặc đầu giờ chiều.
Ánh sáng ảnh hưởng đến màu sắc lá
Độ thoáng
Độ thoáng khí trồng và chăm sóc sen đá phụ thuộc vào loại chậu trồng mà bạn chọn. Với sen đá thì chậu đất nung luôn là sự lựa chọn tốt nhất cho cây vào mùa hè. Bởi chúng có các lỗ rỗng nhỏ, cho phép độ ẩm và không khí lưu thông. Hơn thế chậu nung có thể giúp loại bỏ độ ẩm dư thừa trong quá trình tưới nước một cách dễ dàng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cậu thủy tinh, gốm sứ nhưng nên để cây ở nơi râm mát và hận chế tưới nước
Nước và cách tưới nước
Nên cung cấp lượng nước vừa phải cho sen đá, bởi loại cây này có tính tích nước, khả năng chịu hạn tốt và hạn chế tưới nước vào mùa đông. Khi lá cây nhăn, có màu nhạt thì đây là biểu hiện của việc thiếu nước, lúc này bạn cần bổ sung lượng nước cần thiết cho cây.
Tùy vào nhiệt độ và môi trường mà lượng nước tưới sẽ khác nhau
Thông thường, cứ khoảng cách 2-5 ngày bạn nên tưới cây sen đá một lần và quan sát độ thấm hút của đất để điều chỉnh thời gian cho phù hợp.
Bổ sung chất dinh dưỡng
Với sen đá, bạn chỉ cần bón phân loãng và không cần bón quá nhiều và thực hiện bón 2-3 tháng một lần. Một điều bạn cần lưu ý khi bón phân là hãy vun đất và tưới nước ẩm đất trước khi bón để dinh dưỡng dễ dàng thấm vào đất và cung cấp cho cây.
Cần bổ sung chất dinh dưỡng cho sen đá
4. Các lỗi thường gặp khi chăm sóc cây sen đá
Dù là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Thế nhưng nếu không chú ý đến những điều sau bạn có thể sẽ mắc lỗi khi trồng loại cây này đấy.
Chậu trồng cây không có chỗ thoát nước
Cây sen đá nên được trồng cho chậu có lỗ thoát nước, nếu không rễ cây sẽ nhanh chóng bị úng bởi đất quá ẩm ướt. Vì thế khi trồng sen đá bạn có thể lưu ý chọn chậu trồng cho phù hợp. Bạn nên sử dụng các chậu bằng đất nung, gỗ mộc bởi chúng có khả năng hút nước cao và nhanh chóng cho cây. Trong khi đó, các loại chậu bằng sành, thủy tinh, sắt hay nhựa đều không thích hợp cho sen đá.
Cần chọn chậu trồng cây có chỗ thoát nước
Chọn sai loại đất trồng
Sen đá sẽ bị úng thối và chết nếu để trong đất ẩm ướt quá lâu. Cây được bán ở các cửa hàng thường được trồng trong đất chứa nhiều nước và ẩm ướt suốt thời gian dài. Vì thế thay vì giữ lại bạn nên thay hoàn toàn đất mới để cây thoát nước tốt hơn. Bạn có thể trộn đất trồng với đá nham thạch, than củi, than tổ ong hoặc đá perlite để giúp hút nước nhanh và tạo độ thông thoáng cho đất trồng.
Chọn loại đất trồng phù hợp
5. Các loại bệnh thường gặp của sen đá
Hai tác nhân lớn nhất khiến cho sen đá gặp bệnh và chiết là do tác động từ thiên nhiên và tác động từ con người.
Tác động từ thiên nhiên
Một số vấn đề thường gặp của sen đá khi chịu tác động từ thiên nhiên như:
- Lá cây sen đá trở nên trong suốt: Trường hợp này có thể cây đang bị vi khuẩn xâm nhập. Lúc này, cây sẽ bị nhũn nhanh, quá trình này chỉ diễn ra khoảng 1-2 ngày.
- Lá cây mọc duỗi thẳng: Đây là dấu hiệu của thiếu sáng và nắng. Lá sen đá khi mọc sẽ có hình dáng bẹt mà không dựng đứng lên.
- Lá sen đá bị thâm, bầm: Nếu lá có hiện tượng thâm ở trên ngọn và đầu là, nơi tiếp xúc với ánh nắng nhiều thì do cháy nắng. Thế nhưng nếu bầm ở nhiều vị trí khác nhau, khả năng cao là bị virus xâm nhập.
- Sen đá bị nấm: Các đốm trắng và bọ trắng li ti xuất hiện trên lá, trường hợp này là do bọ, rệp tấn công.
- Cây sen đá mọc dóng lên cao: Khi cây già hoặc bị thiếu sáng thì cây sẽ mọc dóng lên cao, lá mọc thưa. Do vậy, bạn nên cắt chiết phần ngọn mang đi giâm trồng cây mới và nuôi lại gốc.
Các loại bệnh thường gặp của sen đá
Tác động từ con người
Không chỉ chịu tác động từ thiên nhiên, nếu bạn không chăm sóc cây sen đá đúng cách cũng sẽ khiến cho cây gặp các trường hợp sau đây:
- Sen đá bị rụng lá: Khi động vào cây mà lá cứ liên tục rụng xuống thì cây đang bị thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và cả ánh sáng. Lúc này bạn nên tiến hành thay đất, bổ sung nước và dinh dưỡng đầy đủ giúp cây phát triển bình thường.
- Lá sen bị vàng và mềm nhũn: Trường hợp này là do cây bị thừa nước, đồng thời các vi khuẩn nhân cơ hội sẽ thâm nhập vào và gây hại cho dây.
- Lá sen đá nhăn nheo: Lá khô héo dần, phần thân cằn cỗi là dấu hiệu sen đá bị thiếu nước, bạn nên tưới nước nhẹ nhàng cho cây vào buổi sáng để khắc phục tình trạng này.
- Lá cây bị thâm đen, mọng: Dấu hiệu úng nước này sẽ khiến cây bị thâm đen dần từ gốc đến phần lá bị ứ đọng nước lâu.
Các loại bệnh thường gặp của sen đá
6. Giá thành cây sen đá
Hiện nay sen đá được bày bán ở rất nhiều nơi, bạn có thể tìm thấy chúng ở bất cứ cửa hàng cây cảnh nào, ở siêu thị hoặc trên các trang thương mại điện tử. Tùy vào mỗi loại là sen đá có mức giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn.
Giá thành cây sen đá
Với những ý nghĩa tích cực, mộc mạc và thuần khiết mà loại cây này mang lại còn chần chờ gì mà không nhanh tay sở hữu cho mình một chậu sen đá đặt ngay trong văn phòng đi nào.
Một chậu sen đá nhỏ nhắn sẽ giúp bạn điểm xuyến cho không gian thêm bắt mắt
Trên đây là những thông tin chia sẻ về cách trồng, chăm sóc cũng như ý nghĩa của sen đá mà Space T muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng bài viết sẽ đã cung cấp những thông tin bổ ích giúp bạn có thể tự tay chăm sóc cây sen đá của mình ngay tại nhà.
Đừng quên, Space T là nền tảng kết nối gia chủ và công ty nội thất uy tín hoàn toàn miễn phí. Chỉ sau một bước để lại thông tin và nhu cầu nội thất, bạn sẽ được kết nối ngay với 3 đơn vị nội thất và nhận ngay nhiều báo giá phù hợp với mọi yêu cầu về ngân sách, phong cách, loại công trình của bạn. Tìm hiểu về quy trình kết nối của Space T ngay!
Xem thêm:
Cây lưỡi hổ – Ý nghĩa phong thủy, cách chăm sóc và giá thành
Cây kim tiền: Ý nghĩa phong thủy, cách chăm sóc và giá thành
Cây kim ngân – Ý nghĩa, giá thành và cách bố trí cho nội ngoại thất
Source: https://spacet.vn/blog/cham-soc-nha/cay-sen-da-y-nghia-phong-thuy-cach-cham-soc-va-gia-thanh